Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường ăn uống có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng thường có nguy cơ cao với những người sau: Thai phụ; Trẻ em; Người cao tuổi; Người có hệ miễn dịch yếu; Người thường xuyên ăn đồ ăn không được chế biến kỹ, đồ tươi sống. Đặc biệt mùa mưa lũ khi sống ở khu vực bị ô nhiễm nguồn nước dễ mắc hơn người khác.
Triệu chứng bệnh nhiễm trùng lây qua đường ăn uống là: Nôn mửa; Tiêu chảy; Đau quặn bụng; Chuột rút; Đi ngoài ra máu; Sốt; Đau nhức lưng, khớp; Mệt mỏi….
Một số bệnh nhiễm trùng lây qua đường ăn uống thường gặp
Viêm gan A là bệnh lây truyền cấp tính qua đường ăn uống, dễ gặp ở người trẻ tuổi. Đây là con đường lây nhiễm chủ yếu của bệnh viêm gan A. Virus viêm gan A có thể tồn tại trong môi trường ô nhiễm, nhất là những môi trường có điều kiện vệ sinh kém. Nếu ăn uống chung với người nhiễm bệnh, uống phải nguồn nước có chứa virus, ăn sống các loại động vật như cua, sò, tôm,… từ nguồn nước thải, nước bẩn… thì nguy cơ bị bệnh là rất lớn.
Khi mắc viêm gan A, một số người không biểu hiện. Nếu có triệu chứng thường khoảng 2 đến 6 tuần sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, người bệnh sẽ có các biểu hiện: Vàng da; Vàng mắt; Phân nhạt màu, thường có màu xám; Nước tiểu màu nâu sẫm; Đau bụng.
Ngoài ra còn xuất hiện một số triệu chứng toàn thân như: Ngứa toàn thân; Sốt; Mệt mỏi; Biếng ăn; Buồn nôn, nôn.
Trong hầu hết các trường hợp Viêm gan A hồi phục trong vòng 1 đến 2 tháng mà không có tổn thương kéo dài. Ở người già và người bị các bệnh khác như suy tim ứ huyết, tiểu đường, thiếu máu thời gian hồi phục có thể dài hơn và diễn biến bệnh có thể nặng hơn.
Trong một số trường hợp viêm gan bùng phát tình trạng đe dọa tính mạng gây suy gan có thể xảy ra. Đặc biệt có nguy cơ là ở những người bị bệnh gan mãn tính hoặc ghép gan. Ngoài ra viêm gan A có thể góp phần gây cứng động mạch. Vì vậy, khi có biểu hiện viên gan A cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là bệnh dễ lây qua đường ăn uống với dấu hiệu điển hình là đi ngoài ra nước trên 3 lần/ngày. Chính vì tiêu chảy quá nhiều nên người bệnh dễ mất nước, khi không được bù nước và điều trị kịp thời rất dễ đối mặt với nguy cơ tử vong. Bệnh tiêu chảy có thể xảy ra ở mọi đối tượng, dù là người lớn hay trẻ nhỏ. Nguyên nhân thường gặp gây ra tình trạng tiêu chảy ở người lớn là khi ăn những loại thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, thức ăn có chứa nhiều loại vi khuẩn như khuẩn tụ cầu, Salmonella, Clostridium,… khiến cho các mô trong đường tiêu hóa bị kích thích, gây viêm nhiễm và cuối cùng dẫn đến tiêu chảy.
Bên cạnh đó vệ sinh kém sẽ khiến cho vi khuẩn có cơ hội lây lan, xâm nhập vào cơ thể, gây viêm nhiễm và dẫn tới nhiễm trùng. Vì vậy, khi có biểu hiện tiêu chảy cần uống dung dịch bù điện giải để bồi hoàn lượng nước và điện giải đã mất. Trong trường hợp bệnh nhân nặng cần nhập viện để được bác sĩ truyền qua đường tĩnh mạch.
Bệnh tả
Vi khuẩn Vibrio Cholerae gây bệnh tả ở người, một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gây bệnh cảnh lâm sàng gồm nôn và tiêu chảy dữ dội, dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải, nếu không điều trị kịp thời có thể tử vong. Bệnh tả lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua phân người mang vi khuẩn, có thể gây thành dịch.
Triệu chứng điển hình của bệnh là nôn nhiều, tiêu chảy, rối loạn điện giải cấp tính và mất nước. Tỷ lệ tử vong ở bệnh này tương đối cao và rất dễ lây lan thành dịch trong cộng đồng. Bệnh tả là do sự xâm nhập của vi khuẩn vào đường tiêu hóa thông qua việc ăn uống thực phẩm chứa khuẩn tả, nhất là thủy hải sản. Vì vậy, khi có biểu hiện nôn nhiều, tiêu chảy cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Bệnh kiết lỵ
Kiết lỵ là một trong những bệnh đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em, nhiều khi ở người lớn cũng gặp và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Do vi khuẩn như Salmonella và Shigella gây ra, bệnh có thể lây nhiễm qua nước uống, thực phẩm bị ô nhiễm hoặc bơi lội ở nguồn nước bị ô nhiễm.
Nếu kiết lỵ amip chủ yếu gặp ở người lớn và dễ tiến triển mạn tính. Người bệnh thường có hiện tượng mót rặn, đau quặn bụng, đi ngoài nhiều nhưng mỗi lần ra rất ít phân và chất nhầy trong phân có lẫn máu, sốt. Trường hợp nặng, amip dễ tấn công gan gây áp xe tại đây.
Nếu kiết lỵ trực trùng chủ yếu xảy ra ở trẻ em với các dấu hiệu như: Đau bụng, sốt cao, đi ngoài nhiều lần và phân toàn nước màu đỏ. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong vì mất nước nhiều và độc tố của vi trùng.
Lời khuyên của bác sĩ
Bất kỳ ai cũng có nguy cơ đối với bệnh nhiễm trùng lây qua đường ăn uống. Vì thế, để phòng ngừa những bệnh này, mỗi người cần giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường sống thật tốt.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cần thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã. Không ăn các thức ăn có dấu hiệu ôi thiu, thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn. Những ngày trong mùa mưa bão, chúng ta có thể dùng thực phẩm (nước tương, muối lạc…) để thay thế thức ăn từ động vật. Có thể tận dụng bộ phận của cây chuối, mít non luộc chín ăn để thay thế rau xanh.
Sau mưa lũ, các địa phương cần nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật, lau chùi nhà cửa bằng hóa chất tẩy rửa. Việc này có tác dụng lớn trong việc đề phòng ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm.
Ngoài Chloramin B, người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn. Sau 30 phút, cặn lắng xuống đáy có thể gạn lấy nước trong dùng nhưng vẫn phải đun sôi mới uống được.