Viêm gan cấp tính là khi bệnh chỉ kéo dài dưới 6 tháng, còn khi bệnh kéo dài trên 6 tháng, được xếp vào viêm gan mạn tính.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm gan trong đó hay gặp nhất là do nhiễm virus. Cho tới nay ít nhất đã có 6 loại virus viêm gan là: virus viêm gan A, B, C, D, E, G.
Hai loại virus viêm gan A và viêm gan E được truyền qua đường tiêu hóa, các loại virus viêm gan còn lại được truyền qua đường máu. Tất cả các siêu vi này đều gây nên bệnh viêm gan cấp tính.
Ngoài ra, siêu vi viêm gan B, C, D, G còn diễn tiến thành viêm gan mạn tính và đưa đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như xơ gan, suy gan và ung thư gan. Hiện nay, mới chỉ có vaccine ngừa virus viêm gan A và viêm gan B.
Ngoài ra, viêm gan còn do nguyên nhân độc chất bởi lạm dụng rượu bia hoặc sử dụng thuốc quá liều.
Ở một số trường hợp viêm gan có thể xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự tấn công gan (viêm gan tự miễn). Mặc dù nguyên nhân của bệnh viêm gan tự miễn không hoàn toàn rõ ràng, nhưng người ta nhận thấy rằng một số bệnh, chất độc và các loại thuốc có thể gây ra viêm gan tự miễn ở những người nhạy cảm, đặc biệt là phụ nữ. Tuy nhiên, viêm gan tự miễn rất hiếm gặp.
Triệu chứng sớm của viêm gan
Viêm gan thường không có biểu hiện rõ ràng. Bệnh diễn ra âm thầm, nhiều người đã nhiễm virus gây viêm gan nhưng bề ngoài vẫn khỏe mạnh, ngay cả khi bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Một số triệu chứng gợi ý viêm gan:
- Vàng mắt, vàng da là dấu hiệu rõ ràng nhất khi gặp phải các vấn đề về gan. Nguyên nhân là do bilirubin - chất thải có màu vàng được sinh ra từ mật và thông thường sẽ được xử lý tại gan. Viêm gan sẽ khiến bilirubin tích tụ trong máu, chất này rò rỉ vào các mô như da và mắt, khiến chúng chuyển thành vàng.
- Bụng căng chướng do tích tụ dịch trong bụng.
- Sốt vừa hoặc sốt nhẹ.
- Đau vùng hạ sườn phải.
- Nước tiểu sẫm màu (màu nâu, cam đậm hoặc hổ phách). Tình trạng này xuất hiện do có lượng bilirubin dư thừa.
- Mẩn ngứa cũng là một dấu hiệu chung để nhận biết các bệnh về gan, xảy ra do độc tố mà gan không thể lọc được.
- Mệt mỏi kéo dài.
- Xuất hiện bầm máu trên da: Dấu hiệu bầm tím, nhất là có biểu hiện mao mạch giống như một mạng lưới các tiểu động mạch nhỏ hiện dưới sát bề mặt da. Nếu xuất hiện ở nửa trên của ngực, tay, cổ và mặt, đó có thể là dấu hiệu của bệnh gan.
Tuy nhiên, những triệu chứng này chỉ xảy ra khoảng 25% trường hợp và thường xuất hiện ở giai đoạn muộn. Ở giai đoạn đầu, viêm gan thường có những triệu chứng không đặc trưng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như mệt mỏi, suy nhược, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.
Khi nào người bệnh viêm gan cần nhập viện?
Viêm gan có 2 dạng là viêm gan cấp tính và viêm gan mạn tính, thường có những triệu chứng âm thầm dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu như: sốt; mệt mỏi; ăn không ngon, chán ăn; nước tiểu có màu vàng sẫm; vàng da, vàng mắt… kèm theo là cảm giác ngứa... thì cần đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Lời khuyên phòng viêm gan
Viêm gan là tình trạng tổn thương nhu mô gan, khiến các chức năng gan bị suy giảm dần dần. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến suy gan, xơ gan không hồi phục. Để phòng viêm gan cần thực hiện ăn chín uống sôi. Không sử dụng chung kim tiêm, cần sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.
Cần hạn chế sử dụng rượu là cách phòng ngừa gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan hiệu quả.
Kiểm soát cân nặng, giảm cân nếu béo phì. Ngoài ra, cần tiêm phòng vaccine (viêm gan A và viêm gan B). Sử dụng thuốc theo chỉ định bác sĩ hoặc tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.