Lý do gây viêm âm đạo ở trẻ gái
Mặc dù không nhiều nhưng có những bé gái 1 - 2 tuổi, cho đến 12 - 14 tuổi bị viêm âm đạo. Viêm âm đạo ở trẻ em nếu diễn biến nặng có thể dẫn đến môi lớn và môi bé của âm đạo trẻ gái dính vào nhau, khiến việc điều trị khó khăn hơn và nguy cơ tái nhiễm bệnh cao.
Viêm âm đạo ở trẻ gái có thể do nhiều nguyên nhân, sau đây là một số nguyên nhân gây viêm âm đạo cho các bé thường gặp:
- Vệ sinh kém
Trên thực tế vệ sinh không đúng cách là nguyên nhân khiến viêm âm đạo ở trẻ em dễ xảy ra nhất, bao gồm:
- Cha mẹ lạm dụng dùng bỉm: Dùng bỉm lâu, thay bỉm nhưng không dùng tay tách âm hộ ra để vệ sinh sạch sẽ... dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm.
- Trẻ chưa biết vệ sinh vùng kín: Không rửa kỹ bên trong, không dùng dung dịch vệ sinh, đi tiểu tiện xong không rửa, không lau khô, lau từ trước ra sau...
- Thói quen mặc quần áo ẩm ướt, giặt chung đồ lót với quần áo ngoài, quần áo của người lớn.
- Không rửa tay sạch sẽ khi vệ sinh, không rửa tay sạch sẽ nhưng thường xuyên chạm vào đáy chậu hoặc âm đạo.
- Nhiễm trùng thứ phát, ảnh hưởng từ các tác nhân bên ngoài
Vì khoảng cách từ hậu môn đến âm hộ rất gần nhau, nên viêm âm đạo có thể xuất phát từ nhiễm trùng ở bộ phận khác.
Ảnh hưởng từ các tác nhân bên ngoài cũng có thể gây viêm âm đạo ở trẻ gái, trong đó có thể do mặc quần áo bó quá sát như quần jeans, quần vải nylon, đồ lót không vừa... có thể gây kích ứng vùng kín nhạy cảm, làm vùng da xung quanh âm hộ viêm nhiễm và ăn sâu vào âm đạo.
Sử dụng các loại xà phòng, dung dịch vệ sinh có chất sát khuẩn mạnh, chất tạo bọt, chất tạo mùi hoặc dung dịch vệ sinh của người lớn gây mất cân bằng pH âm đạo. Do đó, vi khuẩn có hại, nấm dễ tấn công khiến bé mắc bệnh phụ khoa.
- Dị vật trong âm đạo gây viêm nhiễm
Đôi khi trẻ cho các vật nhỏ vào âm đạo có thể khiến âm đạo bị sưng, viêm kèm theo dịch tiết có máu. Hoặc sau khi vệ sinh, bé bị dính các mảnh giấy nhỏ bên trong âm đạo để lâu ngày có thể gây hôi, dẫn đến viêm âm đạo ở trẻ.
- Dính âm đạo
Mặc dù không nhiều nhưng có 2% các bé dưới 6 tuổi bị dính môi trong âm đạo hay môi âm hộ. Bất thường này làm tăng đáng kể nguy cơ viêm âm đạo cho bé gái.
Ngoài ra, các bệnh về da như đa xơ cứng cũng có thể khiến da trẻ trở nên nhạy cảm, làm tăng nguy cơ mắc viêm âm đạo.
Ngoài ra, lạm dụng tình dục, bạo hành… dễ khiến âm đạo tổn thương. Đồng thời bé dễ bị nhiễm các bệnh đường sinh dục như viêm âm đạo trichomonas, chlamydia, bệnh lậu... hơn.
Biểu hiện viêm âm đạo ở trẻ gái
Viêm vùng kín ở trẻ em có thể xuất hiện những dấu hiệu khác nhau, tùy vào tình trạng viêm của mỗi bé, tuy vậy vẫn có một số dấu hiệu phổ biến dễ nhận thấy nhất bao gồm:
- Vùng kín tiết nhiều dịch bất thường, màu trắng đục hoặc vàng, kèm theo mùi hôi tanh khó chịu.
- Ngứa ngáy ở vùng âm đạo khiến trẻ có phản xạ muốn gãi rất nhiều.
- Đau rát khi đi tiểu và sưng đỏ vùng kín.
Ghi nhận thực tế cho thấy hầu hết các bé đến thăm khám ở độ tuổi từ 3 đến 8 tuổi và chiếm tỷ lệ nhiều nhất, từ 4 đến 6 tuổi với các triệu chứng đặc biệt lưu ý là dịch tiết âm đạo kéo dài. Khác với các nhiễm trùng thông thường, dịch tiết do dị vật có thể liên tục và thường có mùi hôi. Song song đó, vùng âm hộ sinh dục ngoài viêm đỏ cũng rất điển hình, bệnh nhi thường ngứa hoặc kích ứng liên tục không giảm với các phương pháp điều trị thông thường.
Ngoài ra, các bé có thể than phiền đau hoặc khó chịu ở vùng âm đạo, các triệu chứng tiểu khó, tiểu lắt nhắt, tiểu đau cũng có thể có. Vì vậy, khi xuất hiện những bất thường, cha mẹ nên đưa bé đến bác sĩ khám ngay để sớm phát hiện đúng bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.
Tóm lại: Trẻ gái cũng có thể viêm âm đạo, vì vậy cha mẹ cần hướng dẫn trẻ vệ sinh sạch sẽ, tránh các loại xà bông, sữa tắm có chất tạo bọt, mùi, nên sử dụng xà bông tắm có độ pH trung bình. Tắm xong nên lau khô âm hộ bằng khăn lông mềm, không nên chà mạnh.
Tránh mặc quần lót chật hay ẩm ướt, nên chọn quần lót bằng vải cotton trắng thông thoáng và dễ rút mồ hôi cho bé.
Ngoài ra, cha mẹ nên sát sao với trẻ. Với trẻ lớn nên giải thích cho trẻ về cơ thể của mình, giúp trẻ hiểu những khu vực nhất định là riêng tư và không nên được khám phá bằng các vật thể. Đồng thời, phụ huynh hãy thường xuyên nói chuyện, trao đổi với trẻ để các bé cảm thấy không có bất kỳ sự khó chịu hoặc cảm giác bất thường nào.
Khắc phục viêm âm đạo do nấm Candida Albican hiệu quả như thế nào?
SKĐS - Theo thống kê có khoảng 75% chị em phụ nữ bị mắc viêm âm đạo do nấm Candida Albican ít nhất một lần trong đời. Và có khoảng 45% phụ nữ bị viêm âm đạo do nấm Candida Albican mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần dù đã được xử lý. Cùng xem chuyên gia hướng dẫn cách “đoạn tuyệt” với chứng bệnh này.
BS. Nguyễn Thị Bích- sức khỏe đời sống