Vừa qua, một bé trai 12 tuổi sống tại TPHCM vừa nhập viện trong tình trạng vùng kín sưng to gấp 3 lần bình thường kèm theo tiểu buốt, chảy mủ. Qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán bé trai bị viêm da bao quy đầu nặng gây ra tình trạng vùng kín bị viêm, sưng và dính, bít lỗ tiểu, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Nếu không phẫu thuật kịp thời, bệnh nhi có thể sẽ bị nhiễm khuẩn nặng hơn, hoại tử da bao quy đầu.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ là gì?
Hẹp bao quy đầu ở trẻ là một bệnh lý khá phổ biến và không phải bệnh lý quá nguy hiểm. Các bậc cha mẹ cần phải có được kiến thức để nhận biết tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ và tránh khỏi những lo lắng quá mức. Tránh làm thủ thuật không cần thiết gây ra các tổn thương về cả thể chất lẫn tinh thần cho trẻ. Tuy nhiên cũng cần quan sát những bất thường ở trẻ tránh để như trường hợp trên.
ThS.BS Nguyễn Trần Thành giải đáp về tình trạng hẹp bao quy đầu ở trẻ.
Các giai đoạn hẹp bao quy đầu ở trẻ
Nhiều cha mẹ thắc mắc, hẹp bao quy đầu khi nào nên cắt? Hẹp bao quy đầu ở trẻ được chia làm 3 giai đoạn dựa theo độ tuổi phát triển.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ 0-3 tuổi
Có tới hơn 90% trẻ ở độ tuổi từ 0-3 tuổi gặp tình trạng hẹp bao quy đầu. Do ở lứa tuổi này là giai đoạn dễ gặp hẹp bao quy đầu sinh lý, do vậy cha mẹ không cần quá lo lắng. Theo thời gian, khi dương vật của trẻ cương cứng lúc đi tiểu hoặc có phản xạ nong tách, bao quy đầu dần dần sẽ tách ra.
Cha mẹ cần lưu ý, do tỷ lệ hẹp bao quy đầu ở trẻ độ tuổi này nhiều do vậy cha mẹ phải lưu ý vấn đề vệ sinh cho trẻ:
- Sau khi trẻ đi tiểu tiện, đại tiện nên vệ sinh, lau rửa, thay bỉm hoặc có thể sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên biệt để tránh tình trạng viêm nhiễm do nước tiểu, vi khuẩn đọng lại.
- Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám.
- Cha mẹ không tự ý can thiệp vào bao quy đầu của trẻ dưới bất kỳ hình thức nào nhằm tránh gây ra các tổn thương không đáng có. Do đây là giai đoạn trẻ đang phát triển và hình thành bao quy đầu, nếu không thận trọng có thể gây ra viêm sơ hoặc các tổn thương không thể hồi phục.
Ở trẻ từ 3-8 tuổi
Có khoảng 15-20% trẻ trong độ tuổi từ 3-8 tuổi bị tình trạng hẹp bao quy đầu. Sau khi bao quy đầu của trẻ nong tách dần tuy nhiên sẽ có khoảng 75-80% trẻ gặp tình trạng bao quy đầu không kéo xuống, lộn được. Lúc này cha mẹ cần lưu ý:
- Chăm sóc, vệ sinh vùng kín cho trẻ sau mỗi lần tiểu tiện, đại tiện. Nhất là trong lúc tắm rửa, cha mẹ có thể cố gắng nong tách dần dần phần bao quy đầu cho trẻ.
- Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự nong tách, vệ sinh phần bao quy đầu dần dần bao quy đầu sẽ tự lộn được một cách tự nhiên.
Trong trường hợp trẻ không lộn được bao quy đầu, bác sĩ khuyên cha mẹ nên:
- Đưa trẻ thăm khám tại bệnh viện để có phương án điều trị nội khoa bằng một số loại thuốc chống viêm, kháng sinh nhằm nong bao quy đầu tại chỗ. Các loại thuốc này có tác dụng kích thích bao quy đầu phát triển và làm giãn bao quy đầu. Cha mẹ có thể kết hợp thêm các động tác giúp bao quy đầu nong tách tự nhiên khi trẻ ngồi trong chậu tắm, khi trẻ đi vệ sinh hoặc nong dưới vòi nước chảy… Cha mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể tránh hành động thô bạo có thể gây đau đớn, chảy máu.
- Trong trường hợp hẹp bao quy đầu ở trẻ điều trị nội khoa không có hiệu quả, cha mẹ có thể xin ý kiến bác sĩ để thực hiện nong bao quy đầu. Phương pháp này giúp phần bao quy đầu của trẻ kéo xuống được hoàn toàn để đi vệ sinh dễ dàng và bao quy đầu phát triển một cách bình thường. Tuy nhiên, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để thăm khám. Bởi nong bao quy đầu là một thủ thuật đơn giản nhưng cần được thực hiện bởi các bác sĩ có kinh nghiệm. Bởi với trẻ nhỏ, vùng da bao quy đầu rất nhạy cảm nếu thực hiện không đúng cách có thể dẫn tới những tổn thương không hồi phục.
- Lưu ý, chỉ định cắt bao quy đầu ở trẻ không được khuyến cáo trong giai đoạn này.
Hẹp bao quy đầu ở trẻ trên 8 tuổi
Hẹp bao quy đầu ở trẻ trong độ tuổi này chỉ còn khoảng 5%. Ở giai đoạn này, trẻ hẹp bao quy đầu có thể điều trị bằng 3 cách sau:
- Điều trị nội khoa bằng các loại thuốc kháng sinh dạng bôi giúp phần bao quy đầu không bị viêm nhiễm kèm theo hướng dẫn trẻ tự nong bao quy đầu tại nhà.
- Nong bao quy đầu: Đây được xem là phương pháp hiệu quả đối với các trường hợp hẹp bao quy đầu ở trẻ trên 8 tuổi nhất là đối với tình trạng hẹp không hoàn toàn, bán hẹp bao quy đầu.
- Cắt bao quy đầu: Cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám để được tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ. Tuy đây không phải là thủ thuật phức tạp nhưng trẻ chưa có ý thức tự vệ sinh kèm theo khả năng chịu đau kém nên nếu không chăm sóc kỹ có thể dẫn tới tỷ lệ nhiễm trùng cao. Điều này có thể dẫn tới thẩm mỹ bao quy đầu bị ảnh hưởng hoặc gây ra những tổn thương không thể phục hồi ở trẻ.
ThS.BSCKII Nguyễn Trần Thành
Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Tiết niệu - Nam học Bệnh viện 19-8