Trên thực tế, nhiều cha mẹ không làm chủ được cảm xúc với con, cư xử không đúng mực với người xung quanh, nhưng yêu cầu con phải chào hỏi lễ phép với người khác. Một số cha mẹ mong con không nghiện điện thoại, ti vi, chơi điện tử nhưng lúc nào cũng dán mặt vào màn hình điện thoại, vừa ăn vừa lướt Facebook, xem livestream hay chơi game. Nhiều cha mẹ tỏ ra tức giận hoặc vội vàng đánh giá con cái "hư hỏng" khi trẻ có những biểu hiện cảm xúc tiêu cực như: không chào người lớn, đánh nhau, cãi người lớn, chơi game... Tuy nhiên, những hành vi này của trẻ có thể xuất phát từ việc sao chép cách ứng xử của cha mẹ. Họ quên mất, cha mẹ là tấm gương để con nhìn vào và noi theo. Mọi lời yêu cầu, ra lệnh sẽ chỉ khiến con làm theo trong ấm ức. Các con làm theo lệnh của cha mẹ vì sợ bị mắng, bị đánh chứ không phải vì thấy đó là việc nên làm. Và con sẽ quên ngay khi không có người lớn bên cạnh. Do đó, muốn con lớn lên thật sự trở thành người tử tế, ngoan ngoãn, học giỏi, không có thói hư tật xấu thì mỗi việc làm, hành động của cha mẹ cũng phải thật sự tử tế, gương mẫu.
Nếu cha mẹ gặp ai cũng vui vẻ chào hỏi thì dù không ra lệnh, tôi tin các con của họ cũng sẽ chủ động chào hỏi người khác.
Nếu cha mẹ không có thói quen chơi game, không sa đà vào việc xem tivi, lướt Facebook, xem Tiktok, Youtube thì con họ cũng sẽ ít có thói quen này.
Nếu cha mẹ luôn trung thực, không lừa dối người khác, không bao giờ nghĩ cách hại ai thì con họ sẽ khó trở thành những đứa trẻ lưu manh, lừa lọc.
Nếu cha mẹ luôn tích cực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình thì con họ đa phần sẽ là những đứa trẻ tốt bụng, có tấm lòng thương yêu, chia sẻ với mọi người. Đó là cách cha mẹ rèn thói quen tốt cho con thay vì ra lệnh. Không gì thuyết phục bằng những hành động, việc làm của chính chúng ta. Chỉ khi ta làm gương cho con, ta mới mong con làm đúng, sống đẹp.
Muốn giáo dục con ngoan, hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp của con, để con trở thành một người tử tế, lương thiện, các bậc cha mẹ nhất thiết phải gương mẫu hoàn thành các vai trò của mình đối với gia đình và xã hội để con bắt chước và làm theo.
Sự gương mẫu của cha mẹ và người lớn trong gia đình thể hiện từ trong lời nói, cử chỉ, hành động, cách ứng xử với mọi người trong và ngoài gia đình. Sự gương mẫu của cha mẹ trong nếp sống hàng ngày tác động đến nhận thức, tình cảm, niềm tin và hành động của con. Gương mẫu tạo ra uy tín của cha mẹ và lòng tôn kính cha mẹ ở con. Để giáo dục gia đình có kết quả, các bậc cha mẹ cần chú ý đến việc rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Luôn mẫu mực, luôn nêu tấm gương sáng cho con bắt chước, khi có uy tín với con, được con tin tưởng thì những lời khuyên bảo của cha mẹ sẽ có hiệu quả hơn nhiều.
Tôi cho rằng, cha mẹ nên có chiến lược rèn con các thói quen từ khi con còn học mầm non thì khi lớn lên, con được hình thành nhân cách theo chính sự giáo dục của cha mẹ. Tôi cũng nuôi dạy 2 con gái suốt 18 năm qua, đến nay con lớn đã 18 tuổi, con gái nhỏ 9 tuổi và kinh nghiệm của tôi là luôn rèn con nếp sống, thói quen tích cực từ nhỏ.
Ví dụ, tôi muốn các con ăn, ngủ, học đúng giờ thì sáng nào tôi cũng gọi con dậy từ 5h30 để con chuẩn bị, sau đó tôi đi mua ăn sáng về cho cả nhà. Cả gia đình sẽ ăn sáng tại nhà từ khoảng 6h15-6h30. Từ khoảng 6h45-7h là cả gia đình đã ra khỏi nhà, mẹ chở con đến trường, sau đó đi đến cơ quan. Buổi chiều sau khi tan làm, mẹ đến trường đón con rồi về nhà nấu cơm, trong lúc mẹ nấu cơm thì các con tắm giặt, khoảng 18h15-18h30 cả nhà sẽ ăn cơm. Đúng 19h là các con ngồi vào bàn học bài.
Để rèn con tập trung học, không xem ti vi thì bản thân tôi cũng không xem ti vi nhiều năm nay. Tôi muốn con chăm đọc sách nên ngày nào tôi cũng phải đọc sách để con học theo. Tôi muốn con chăm học thì tôi cũng luôn chăm chỉ học hành, nâng cao trình độ chuyên môn để các con hiểu rằng việc học là việc cả đời không ngừng nghỉ. Mẹ khi gần 40 tuổi vẫn còn phải đi học, huống chi là con. Tôi muốn con đi ngủ đúng giờ thì đến giờ con ngủ tôi cũng phải tắt điện đi ngủ. Nếu còn bận việc chưa làm xong thì tôi cứ tắt điện, chờ con ngủ xong mới lại dậy làm việc tiếp.
Tôi phải hy sinh sở thích, thú vui của mình để rèn con. Vì tôi phải làm gương cho con học theo nên tôi không cần nói nhiều, các con cũng tự giác làm theo mẹ và có thói quen giống mẹ. Làm cha mẹ luôn là nghề khó nhất, vất vả nhất trong các nghề mà không phải bậc cha mẹ nào cũng làm tốt.
Qua 18 năm nuôi dạy hai con gái, tôi nghiệm ra rằng điều quan trọng nhất cần rèn con từ nhỏ đó là dạy cho con sống có kỷ luật. Mỗi đứa trẻ đều có sự phát triển và hình thành tính kỷ luật rất sớm và mạnh mẽ trong 6 năm đầu đời vì nó là một phần phát triển tự nhiên giúp trẻ học hỏi và gia tăng sự tập trung. Tùy vào cách giáo dục của cha mẹ trước 6 tuổi mà trẻ trở nên buông thả hay kỷ luật sau đó. Những điều cha mẹ nên làm để duy trì tính kỷ luật cho trẻ đó là rèn thói quen, nề nếp trong việc ăn, việc ngủ và việc đọc sách.
Thứ hai, cha mẹ chỉ cùng con giải quyết khó khăn khi cần, chứ đừng làm thay con.
Thứ ba, cha mẹ phải dạy cho con biết lắng nghe tất cả những lời khen chê của người khác, chỉ khi đứa trẻ chấp nhận tiếp thu những lời chê thì con mới biết sửa chữa và cố gắng phát huy. Đây chính là cách tạo động lực cho con.
Thứ tư, cha mẹ rèn con nếp sống sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp.
Thứ năm, cha mẹ hãy trở thành người cha mẹ muốn con trở thành.
Thứ sáu , cha mẹ không nên ép con làm mọi việc theo ý mình.
Thứ bảy, cha mẹ nên thường xuyên thể hiện tình yêu thương với con qua lời nói và hành động. Đ
Thứ tám, cha mẹ nên nghĩ rằng không có ai hoàn hảo nên cũng không nên kỳ vọng con mình hoàn hảo. Đứa trẻ nào cũng mắc sai lầm, nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết bao dung. Trước những sai lầm của con cái, cha mẹ luôn trong tiềm thức đổ lỗi và la mắng, điều này sẽ chỉ làm tăng gánh nặng tâm lý cho trẻ.
Cha mẹ thông minh biết cách bao dung và chấp nhận lỗi lầm của con cái, dẫn dắt con đi vào con đường đúng đắn. Chỉ cần con ngoan và tiến bộ mỗi ngày so với chính bản thân con là tốt rồi. Hãy luôn thấu hiểu, sẻ chia, động viên và đồng hành cùng con mỗi ngày để con khôn lớn, phát triển trong vòng tay yêu thương của gia đình.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!
TS. Vũ Thị Minh Huyền- sức khỏe đời sống