Viêm lợi là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh nha chu, theo thống kê bệnh viêm lợi chiếm hơn 80% dân số và có thể xảy ra ở bất kỳ người nào, bất kỳ độ tuổi nào. Đây là tình trạng viêm chỉ khu trú ở mô nha chu bề mặt bao gồm lớp biểu mô bên ngoài và lớp mô liên kết kế cận. Các mô khác như xương ổ răng, dây chằng nha chu, màng nha chu hay xi măng không bị ảnh hưởng. Viêm lợi là bệnh có thể chữa khỏi được hoàn toàn.
Viêm lợi chủ yếu do vi khuẩn ở mảng bám răng lợi thường là các loại cầu khuẩn và trực khuẩn, vi khuẩn sợi, do virus, do sang trấn và các tác nhân lý học và hóa học, do mọc răng, do sâu răng không được chữa...
Biểu hiện của viêm lợi
Khi mắc viêm lợi người bệnh thường có các biểu hiện:
- Xuất hiện hôi miệng;
- Người bệnh đau vùng lợi khi chải răng;
- Chảy máu lợi khi xỉa răng, đánh răng hoặc chảy máu tự nhiên.
Triệu chứng thực thể bao gồm:
- Quan sát thấy lợi đỏ nhẹ hay đỏ rực;
- Lợi sưng nề cả mặt trong và mặt ngoài, có thể có túi lợi giả;
- Lợi u viêm tấy, sưng nề kém săn chắc;
- Chảy máu lợi khi thăm khám hoặc chảy máu tự nhiên;
- Xuất hiện cao răng, mảng bám;
- Khi khám các bác sĩ thấy các bất thường về cung hàm răng, khớp cắn, miếng trám và các nguyên nhân khác.
Nguyên nhân gây viêm lợi
- Viêm lợi do mảng bám răng
Bệnh viêm lợi mảng bám đơn thuần có các yếu tố thuận lợi tại chỗ bởi các nguyên nhân vệ sinh răng miệng chưa đảm bảo có thể dẫn đến viêm lợi.
- Viêm lợi mảng bám kết hợp bệnh toàn thân như:
- Viêm lợi tuổi dậy thì;
- Viêm lợi liên quan kinh nguyệt;
- Viêm lợi liên quan thai nghén;
- Viêm lợi liên quan tiểu đường, các bệnh bạch cầu;
- Viêm lợi mảng bám liên quan thuốc: thuốc làm phì đại lợi, thuốc tránh thai, thuốc khác;
- Viêm lợi mảng bám liên quan dinh dưỡng: thiếu vitamin C, thiếu các chất khác.
- Viêm lợi do các nguyên nhân khác như:
- Do vi khuẩn đặc hiệu: do Streptococcal, Neisseria gonorrhoeae. Do các vi khuẩn đặc hiệu khác.
- Do virus: Virus họ Herpes: Viêm lợi miệng herpes tiên phát, tái phát, viêm lợi miệng do Varicella - zoster virus.
- Do nấm: do nấm Candida, nấm Histoplasmosis, do các nấm khác.
- Do bệnh toàn thân như: Viêm lợi do rối loạn da, biểu mô: Pemphigoid, Lichen planus, Pemphigus vulgaris.
- Do dị ứng, ví dụ dị ứng với vật liệu phục hồi răng: thủy ngân, nickel, acrylic; Dị ứng thuốc đánh răng, nước súc miệng, kẹo cao su; Dị ứng thức ăn, chất gây nghiện.
Điều trị viêm lợi
Điều trị viêm lợi là phương pháp hiệu quả khắc phục toàn bộ những vấn đề viêm lợi gây ra, đồng thời hạn chế tối đa những trường hợp:
- Gây hôi miệng, chảy máu chân răng, khiến người bệnh cảm thấy mặc cảm, khó khăn trong giao tiếp.
- Gây rối loạn các khớp cắn, suy yếu lực nhai, đau nhức khi nhai.
- Lệch răng ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ.
- Nguy cơ gây áp xe (Apscess) chân răng làm chết tủy ngược dòng.
- Phá hủy các mô nâng đỡ răng, khiến răng bị lung lay, làm viêm răng, mất răng.
Các bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm giúp điều trị viêm nhiễm. Cùng việc sử dụng thuốc điều trị viêm lợi bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ nguyên nhân và các kích thích tại chỗ, tạo môi trường sạch và không lây nhiễm trong miệng:
- Loại bỏ cao răng, mảng bám trên và dưới lợi định kỳ.
- Loại bỏ các yếu tố kích thích tại chỗ: trám hay sửa lại các phục hình không đúng, trám cổ răng bị mòn, cố định các răng lung lay, mài chỉnh khớp cắn.
- Chỉnh nha nếu răng là nguyên nhân gây viêm lợi, để giúp dễ dàng vệ sinh răng miệng và ổn định khớp cắn.
- Nếu lợi phì đại thì phẫu thuật cắt tạo hình lợi.
Chính vì vậy, ngay khi phát hiện các dấu hiệu viêm lợi, người bệnh cần thăm khám bác sĩ nha khoa sớm để được tư vấn điều trị. Tùy vào mức độ và tình trạng viêm, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Đối với những bệnh nhân bị viêm lợi ở mức nhẹ, thông thường, các bác sĩ sẽ kiểm tra và sát khuẩn vùng lợi bị viêm và sưng. Sau đó tiến hành lấy cao răng và điều trị chuyên sâu cho vùng tổn thương đó.
Đối với bệnh nhân bị viêm ở mức độ nặng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật để loại bỏ hoàn toàn tình trạng viêm nhiễm.
Lời khuyên của bác sĩ
Bệnh viêm lợi không chỉ gây đau nhức, hôi miệng mà còn để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe. Đây là bệnh lý thường gặp tuy không nguy hiểm nhưng có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe răng miệng cũng như sự tự tin trong giao tiếp hàng ngày. Khi có biểu hiện cần đến cơ sở y tế có uy tín để được điều trị. Sau khi điều trị, bệnh nhân cần tái khám thường xuyên để kiểm soát tình trạng viêm. Nếu tình trạng răng miệng ổn định thì bệnh nhân hoàn toàn có thể tự theo dõi tại nhà.
Tại nhà, bệnh nhân vệ sinh răng miệng đúng cách cụ thể, chải răng sau khi ăn, chọn thuốc đánh răng không chứa thành phần kích thích. Chải răng đúng kỹ thuật. Dùng tăm nha khoa để làm sạch bề mặt răng, nhất là vùng khe giữa hai răng.
Ngoài ra, cần duy trì chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng sức đề kháng. Cần khám định kỳ 6 tháng/ 1 lần để kịp thời phát hiện các tổn thương và loại trừ cao răng mảng bám.
BS. Nguyễn Hồng Minh- Sức khỏe đời sống